SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B | HÃY YÊU NHƯ CHÚA GIÊSU

01/05/2024
529

 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B
HÃY YÊU NHƯ CHÚA GIÊSU

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Với tông đồ Gioan, tình yêu thương là căn bản của mọi sự. Thiên Chúa yêu thương con  người. Tình yêu nối kết trời với đất, con người với Thiên Chúa và con người với con người, tất cả đều buộc chặt vào nhau bằng sợi dây yêu thương. Đó chính là sứ điệp của Tin mừng Chúa nhật VI Phục sinh hôm nay : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." ( Ga 13,34 – 35 ).

Ngày nọ, có một người đàn ông đến bưu điện, anh ta muốn gửi bưu phẩm, đến gặp nhân viên bưu điện và hỏi: “ chị có hộp không ?”. Nhân viên này lấy ra một cái hộp bằng giấy.

Anh ta chê mềm quá, sợ nó sẽ không chịu được sự đè ép, rồi hỏi: “ chị có hộp gỗ không ?”.

Nhân viên bưu điện đáp: “Anh muốn gởi vật quý và nặng à ?”

Anh ta vội trả lời: “Phải”.

Nhân viên bưu điện đổi cho ông một cái hộp gỗ tinh xảo. Anh ta nhìn đi nhìn lại, xem xét rất kỹ lưỡng cuối cùng mới gật đầu hài lòng.

Tiếp đó, anh ta lấy ra cái gọi là “Vật quý và nặng” trong túi áo ra, là một quả bóng trái tim màu đỏ, dẹp lép !”

Anh ta ngậm quả bóng, hít một hơi thật dài, trong chốc lát đã thổi phồng quả tim đó lên. Anh đặt quả tim đó vào trong hộp, kích thước quả tim rất vừa vặn với hộp.

Nhân viên bưu điện không nhịn được cười và nói: “Thực ra, anh không cần gửi món quà này một cách không đáng như thế. Tôi cân trước cho anh coi, nhìn nhé, nó chỉ có 6,5gram, anh xả khí đi sau đó bỏ vào phong thư, gửi bảo đảm không phải tốt hơn sao ?

Người đàn ông nhìn nhân viên bưu điện và nói: “Cô không biết thật à ? Tôi với người yêu của tôi mỗi người một phương, cả hai đều phải chịu nỗi khổ nhớ nhau, cô ấy cần tiếng nói của tôi cũng như hơi thở của tôi ! Món quà tôi tặng cô ấy là một hơi thở - một hơi thở thật sự trong lồng ngực tôi. Thực ra, thứ tôi gởi không có cân nặng, quả tim bằng bóng 6,5 gram này và cái hộp mấy trăm gram đều chỉ là phương tiện chứa đựng món quà hơi thở của tôi !”.

Vâng, Tình yêu là thứ đem đến cho con người nhiều hân hoan nhất, nhiều sáng kiến nhất. Yêu là chết trong lòng một ít, yêu là đau khổ, yêu là phục vụ, yêu là hy sinh: “ Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” ( Ga 15,13 ). Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “ Thiên Chúa là Tình yêu” ( 1 Ga 4,16 ). Ngài chính là nguồn gốc của tình yêu, Ngài đã yêu chúng ta, vì “ Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” ( Ga 15,9 ). Nhờ lãnh được tình yêu Chúa ban mà chúng ta biết yêu thương nhau. Chúa bảo chúng ta phải yêu thương mọi người như chính mình.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã diễn tả một cách sâu sắc, rất thơ, mà cũng rất triết lý trong câu thơ của bài Tình nhớ: 

                         Khi cơn đau chưa đầy, thì tình như chút nắng.

                         Khi cơn đau lên đầy, thì tình đã mênh mang.

Còn cha ông chúng ta thì nói một cách rất thật thà, chất phác: “ Yêu nhau lắm, thì cắn nhau đau”. Hiểu được ý nghĩa ấy nên Pierre L’Ermite đã nói: “ Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, thì đó là tình yêu thật”.

Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy rằng, chúng ta giữ giới răn, sống đạo, có thể có hai tâm trạng và hai thái độ: một là giữ đạo vì vụ lợi, giữ cho có lệ gọi là có. Hai là giữ đạo vì yêu mến Chúa. “Nếu các con yêu mến Thầy thì giữ giới răn của Thầy, Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng thầy gọi các con là bạn hữu” ( Ga 15,15 ).

Giữa một thế giới đang ngày càng thiếu vắng yêu thương, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng của tình yêu. Mahadma Gandhi, vị cha già tranh đấu bất bạo động để giải phóng Ấn Độ khỏi nộ lệ của người Anh đã nói: “Tình yêu là sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay. Bao lâu nhân loại chưa thấy sức mạnh ấy, thì bấy lâu bạo động vẫn còn tồn tại và chính con người tự biến thành một thứ khí giới để tự hủy và sát hại người khác”.

Để sống yêu thương như Chúa, chúng ta không những đem trái tim của mình đặt trên ngực để yêu thương, mà còn: Đặt trên tay để giúp đỡ người khác. Đặt trên mắt để nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân, để mau mắn chạy đến với người cùng khổ. Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh. Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác. Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em chị em. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta có một trái tim yêu thương như Chúa, để chúng ta có thể yêu thương hết thảy mọi người : “ Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” ( Ga 15,17 ). 

 

Lm. Joseph Phan Cảnh